Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

6 cách thúc đẩy động lực để làm việc

Mục đích là một trong những yếu tố cơ bản tạo động lực thúc đẩy con người làm việc. Và chìa khóa để bạn nhận biết được mục đích của mình chính là đừng chỉ chăm chăm vào những trở ngại của dự án mà quên đi lý do vì sao bạn lại làm công việc này. "Khi mọi người biết lý do (tại sao) họ phải làm việc, họ trở nên thấy tốt hơn và nhiệt tình với công việc hơn", Pink lý giải.


6 cách thúc đẩy động lực làm việc

Theo Daniel Pink, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Động lực 3.0 - Sự thật kinh ngạc về những động cơ thúc đẩy chúng ta hành động, có 3 yếu tố tạo ra động lực thực sự, đó là:
- Quyền tự trị (Tính tự chủ): Khao khát được làm chủ cuộc sống của chính mình.
- Sự hoàn thiện (Làm chủ): Niềm thôi thúc không ngừng hoàn thiện và bổ sung kiến thức về các vấn đề bất kỳ.
- Mục đích: Khao khát được cống hiến không vì bản thân mình.
Trong buổi trò chuyện với Fast Company, Pink cho biết: "Động lực tốt nhất thúc đẩy chúng ta làm việc hàng ngày chính là sự tiến bộ trong công việc. Những ngày chúng ta cảm thấy mình đang tiến bộ lên cũng là lúc chúng ta thấy mình làm việc hăng hái nhất". Và dưới đây là phân tích của Pink:
1. Cảm thấy tiến bộ trong công việc
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua những ngày quay cuồng giữa đống email, công việc hay họp hành liên miên, nhưng trên thực tế đó lại là chất xúc tác giúp thúc đẩy quá trình tiến bộ của bạn.
"Vào những ngày khi bạn ý thức được rằng mình đang tạo ra bước tiến lớn trong nghề nghiệp hoặc khi nhận được sự ủng hộ của ai đó giúp mình vượt qua khó khăn thì hầu như lúc đó bạn sẽ cảm thấy tích cực, và động lực đó thúc đẩy bạn tiến tới thành công", nhà nghiên cứuTeresa Amabile chia sẻ trên Harvard Business Review.
Nói cách khác, dù những thứ bạn làm được ở hiện tại thật sự không nhiều như bạn tưởng nhưng chúng lại giúp bạn cảm thấy tích cực. Trong nghiên cứu của mình, Amabile đã phân tích gần 12.000 đoạn nhật ký hàng ngày được ghi lại bởi những người tham gia khảo sát về cảm xúc và sự tích cực của họ.
Bà nhận ra, sự tiến bộ trong công việc thường đem đến những suy nghĩ tích cực từ đó tạo động lực thúc đẩy mọi người làm việc tốt hơn so với tất thảy những sự kiện khác diễn ra trong ngày.
2. Viết "nhật ký tiến bộ" mỗi ngày
Ở đây, chúng ta không bàn đến những suy nghĩ huyễn hoặc mà bạn tự lừa dối mình, nhưng bạn cũng nên để bản thân hiểu hơn về những thành quả mà bạn đã đạt được chứ không phải chỉ biết tự trách móc vì những thứ chưa làm.
Để làm được việc đó, Pink đề nghị mọi người nên đánh giá hiệu suất công việc của bản thân bằng cách tạo ra "nhật ký tiến bộ" hàng ngày. Cụ thể, vào cuối ngày, trước khi từ sở làm về nhà, bạn hãy nán lại một phút để ghi lại những công việc mà bạn đã làm được trong ngày hôm đó. "Chúng ta đã tiến bộ hơn mình nghĩ rất nhiều mặc dù điều đó không dễ dàng nhận thấy", Pink chia sẻ.
Bằng cách trên, bạn đã để bản thân tập trung vào mục tiêu tiến bộ - thứ sẽ giúp bạn giữ được động lực thúc đẩy bạn hướng về phía trước. "Mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi dành thời gian viết ra 3 điều tốt đẹp xảy đến với họ ngày hôm đó thay vì phàn nàn những thứ họ chưa hoàn thành", Pink nói.
3. Coi trọng những thành công nhỏ
Điều đó đồng nghĩa với việc bạn cần sắp xếp lại những thứ bạn cho là “tiến bộ”. Thay vì liên tục tập trung vào việc bản thân đã tiến xa tới đâu thì hãy chú ý đến những bước tiến giúp cho bạn đi đúng hướng ngay cả khi chúng không thực sự nổi bật.
"Tôi phát hiện ra có nhiều lúc mình cảm thấy nản lòng nhưng nhờ đó mới biết mình có khả năng làm được nhiều thứ hơn mình nghĩ", ông chia sẻ.
Ngoài ra, bạn nên dành thời gian tự hỏi bản thân mình những câu hỏi: "Hôm nay mình đã giải quyết được vấn đề gì?", hay "Mình đã mở rộng được mối quan hệ tới đâu?"... Hãy từ từ tiến từng bước nhỏ đến gần mục tiêu tưởng chừng không đạt được.
"Những thành công nhỏ sẽ tạo nên một thành công lớn", Pink nói.
4. Để người khác đánh giá hiệu suất công việc
Khả năng chịu trách nhiệm và hành vi củng cố tích cực (positive reinforcement) là những yếu tố quan trọng hình thành nên cảm xúc tích cực tại nơi làm việc. Nhưng bạn cũng không cần phải chờ đợi sếp đi tới đi lui kiểm tra mức độ chăm chỉ làm việc, hay nhận được những nhận xét tích cực về mình mới cảm thấy có động lực làm việc.
Thay vào đó, Pink đề nghị mỗi tháng hãy thử tập hợp một nhóm nhỏ đồng nghiệp trong phòng hoặc trong mạng lưới làm việc lại với nhau để đánh giá hiệu suất công việc của mỗi người. Mọi người cũng có thể đặt ra một mục tiêu trong buổi họp và báo cáo tiến độ hoàn thành chúng trong buổi họp kế tiếp.
Điều này không chỉ giúp bạn tạo ra một cộng đồng có trách nhiệm mà còn cung cấp cho bạn những thông tin phản hồi cũng như lời khuyên từ phía các đồng nghiệp.
5. Tạo ra thử thách mới
Không gì có thể làm bạn mất động lực nhanh hơn cảm giác lặp đi lặp lại công việc nhàm chán mỗi ngày. “Nếu một người làm việc gì đó thực sự tốt, rất có thể họ sẽ được yêu cầu tiếp tục chúng”, Pink cho biết.
Điều bạn cần làm lúc này là tìm cách "làm mới", biến công việc tẻ nhạt thường ngày trở nên thú vị. Ví dụ, nếu bạn là người làm việc tự do, hãy thử chấp nhận một dự án mới mẻ nào đó, có thể giá của chúng sẽ rẻ hơn so với công việc lúc trước của bạn, nhưng bù lại bạn sẽ có cơ hội học hỏi thêm kiến thức mới.
Một cách khác để biến công việc bình thường trở nên thử thách hơn, đó là thay đổi yêu cầu đối với chúng. Khi Pink viết một dự án giống như cái ông từng làm nhiều lần lúc trước, ông cho biết đã thử thách bản thân bằng cách đẩy nhanh tốc độ làm việc lên để xem mình có thể hoàn thành nó nhanh nhất trong bao lâu.
6. Hỏi “tại sao” thay vì “như thế nào”
Mục đích là một trong những yếu tố cơ bản tạo động lực thúc đẩy con người làm việc. Và chìa khóa để bạn nhận biết được mục đích của mình chính là đừng chỉ chăm chăm vào những trở ngại của dự án mà quên đi lý do vì sao bạn lại làm công việc này. "Khi mọi người biết lý do (tại sao) họ phải làm việc, họ trở nên thấy tốt hơn và nhiệt tình với công việc hơn", Pink lý giải.
Đồng thời, nếu bạn liên tục đưa ra câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi tại sao, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nên nghĩ đến một lựa chọn nghề nghiệp khác. Theo ông, hầu như ai cũng cho rằng sự nhàm chán của công việc nằm ở thời gian. Nhưng nếu câu trả lời của bạn cứ mãi như thế trong thời gian dài thì đó là dấu hiệu cảnh báo mạnh mẽ rằng bạn nên bắt đầu một công việc khác.

Bí quyết khi thuyết trình: Càng đơn giản, càng thuyết phục

Còn theo huấn luyện viên Bill Cowher của đội Pittsburgh Steelers, Super Bowl là trận đấu khán giả chỉ xem duy nhất mỗi năm một lần nên điều quan trọng là phải thể hiện mọi thứ ở mức đơn giản để ít nhất khán giả có thể cảm thấy thu hút và dễ hiểu. Các lịch thi đấu đang ngày càng trở nên phức tạp, và đó là lý do tại sao những lời giải thích phải trở nên đơn giản mới có khả năng tiếp cận được đông đảo khán giả theo dõi.


Bí quyết thuyết trình: Càng đơn giản, càng thuyết phục

Theo tác giả, diễn giả, cựu nhà báo nổi tiếng Carmine Gallo, rất nhiều nhà lãnh đạo thông minh trên thế giới truyền tải thông điệp của mình đến nhiều người bằng lối diễn đạt đơn giản đến mức học sinh lớp 3 cũng có thể đọc và hiểu được.
Gallo phân tích, để làm được điều đó, ngôn từ phải ngắn gọn, hầu hết là một âm tiết; câu văn không sử dụng tiếng lóng, và từ ngữ phải dễ hiểu. "Bằng chứng sống" về việc sử dụng thuần thục phương pháp này không ai khác ngoài Steve Jobs - một trong những nhà truyền thông tài năng nhất trên sân khấu kinh doanh. Không chỉ nổi tiếng về sáng tạo, huyền thoại công nghệ còn nổi danh với bộ phim quảng cáo (phục vụ cho chiến dịch "Think different") mang tên "Crazy Ones" (tạm dịch: Những kẻ điên rồ) có nội dung như sau:
Đây là những người dở hơi, lập dị, nổi loạn, gây rối. Những người không tuân theo luật lệ. Họ giống như nồi tròn vung méo. Họ nhìn mọi thứ khác với lẽ thông thường.
Họ không ưa các nguyên tắc. Họ làm đảo lộn hiện trạng. Bạn có thể trích dẫn họ, bất đồng với họ, vinh danh hay lăng mạ họ.
Nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là lờ họ đi vì họ thay đổi thế giới và thúc đẩy nhân loại tiến lên phía trước.
Và trong khi một số người coi họ là những kẻ điên khùng, chúng tôi lại thấy ở đó phẩm chất của những thiên tài. Bởi chỉ những người đủ điên rồ để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới mới là những người thực sự làm được điều đó.
Gallo đánh giá, mặc dù học sinh lớp 2, lớp 3 trung bình có thể không hiểu được ý nghĩa một số từ nhưng nhìn chung các em có thể đọc được nó. Và khi đưa đoạn quảng cáo cho cô con gái đang học lớp 2 đọc, ông nhận ra cô bé chỉ ngần ngại trước hai từ là: trích dẫn và thiên tài.
Ngoài Steve Jobs, đã có nhiều nhà lãnh đạo thông minh sử dụng cách này khi tiến hành giới thiệu sản phẩm, chẳng hạn như CEO Telsa Elon Musk. Musk từng cho biết ông đọc hướng dẫn sử dụng tên lửa Liên Xô chỉ để giải trí, nhưng khi diễn thuyết trước công chúng, người ta lại thấy ông nói với ngôn ngữ mà một học sinh trung bình lớp 2 cũng có thể đọc, và trong nhiều trường hợp, có thể hiểu được.
Ví dụ, trong lần ra mắt dòng pin năng lượng Powerwall của Telsa vào tháng Tư năm ngoái, Musk lý giải sản phẩm này là loại pin dùng trong nhà có khả năng nhận ánh sáng Mặt Trời từ các tấm quang điện trên mái nhà và chuyển hóa chúng thành năng lượng dự trữ. Mặc dù chúng được thiết kế dành cho người tiêu dùng bình thường nhưng công nghệ đằng sau sản phẩm này lại cực kỳ phức tạp. Vậy nên trước mặt khách hàng, Musk đã giải thích sản phẩm bằng cách sử dụng ngôn từ cực kỳ đơn giản và gần như không có dòng chữ nào trên slide, toàn bộ là hình ảnh.
"Ngày nay, đây là cách mọi thứ hoạt động", Musk mở đầu bài thuyết trình bằng cách trình chiếu bức ảnh một nhà máy nhiệt điện đang thải carbon vào không khí, "Chúng chẳng tốt đẹp gì. Thậm chí khá tệ. Nhưng đó là sự thật. Đó là bởi hầu hết năng lượng đang được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch".
Ông nói tiếp: "Giải pháp ở đây được chia làm hai phần. Phần một, là Mặt Trời. Chúng ta có lò phản ứng nhiệt hạch tiện dụng trên bầu trời, được gọi là Mặt Trời. Và bạn không phải làm bất cứ việc gì cả. Nó tự hoạt động, đều đặn mỗi ngày và tạo ra một lượng lớn năng lượng nhiều đến mức đáng kinh ngạc".
Phần còn lại của bài thuyết trình đa phần được truyền tải với ngôn ngữ đơn giản và ít sử dụng từ ngữ nhất có thể, giống như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: "Từ ngắn gọn là những từ tốt nhất và những từ thông dụng mà ngắn gọn lại càng tốt hơn. Ý nghĩa của chúng sẽ gắn liền với tính cách nhân vật và điều đó giúp họ thu hút được đông đảo người nghe hơn". Ông cũng từng là một cựu phóng viên, người hiểu rõ việc sử dụng từ ngữ càng ngắn gọn sẽ càng tiếp cận được nhiều người.
Hay như trong chương trình truyền hình trực tiếp ăn khách nhất nước Mỹ Super Bowl, những người dẫn chương trình phải học cách đơn giản hóa mọi lời nói để có thể truyền tải nội dung đến đông đảo khán giả nhất. Ngôi sao bóng bầu dục nổi tiếng Tony Gonzalez từng chia sẻ trên tờ Wall Street Journal rằng: "Bạn không học cách kể lại con đường bạn đến với bộ môn này như thế nào. Thứ bạn phải học là làm thế nào diễn tả những điều cần nói trong vòng 10 hoặc 30 giây".
Còn theo huấn luyện viên Bill Cowher của đội Pittsburgh Steelers, Super Bowl là trận đấu khán giả chỉ xem duy nhất mỗi năm một lần nên điều quan trọng là phải thể hiện mọi thứ ở mức đơn giản để ít nhất khán giả có thể cảm thấy thu hút và dễ hiểu. Các lịch thi đấu đang ngày càng trở nên phức tạp, và đó là lý do tại sao những lời giải thích phải trở nên đơn giản mới có khả năng tiếp cận được đông đảo khán giả theo dõi.
Đồng thời, theo Gallo, khi công nghệ ngày càng trở nên phức tạp thì thông điệp truyền tải đến khách hàng phải đơn giản hết mức có thể, "Đừng cảm thấy ngu ngốc khi bạn đang đơn giản hóa mọi thứ, bởi điều đó sẽ giúp bạn tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong lúc cố gắng làm nổi bật chúng".

7 nỗi sợ cản bước sự thành công

Nhiều người trong chúng ta đã được dạy rằng sẽ không bao giờ đạt được thành công thực sự trong cuộc sống. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng mơ ước thành công là không thực tế, vì vậy họ không bao giờ thúc đẩy các con mình. Thay vì bị gò bó trong suy nghĩ này, hãy tin rằng một ngày bạn sẽ đạt được thành công lớn.
7 nỗi sợ cản bước thành công
Nhiều người chấp nhận sự tầm thường vì họ chỉ nghĩ phải "sống sót" thay vì "phát triển". Dĩ nhiên, điều đó ngăn cản bạn theo đuổi giấc mơ của mình.
Trong cuộc sống, có không ít nỗi sợ giữ chân chúng ta, và một số thậm chí còn bó buộc bạn và biến các giấc mơ của bạn trở thành điều không tưởng. Nếu muốn thành công, bạn phải đối mặt và vượt qua chúng. Triệu phú tự thân Daniel Ally đã rút ra được 7 nỗi sợ hãi phổ biến mà bạn phải vượt qua:

1. Sợ những lời phê bình


Nhiều người e ngại theo đuổi giấc mơ của mình vì sợ những gì người ta nghĩ và bàn tán về họ. Ally cho biết gần đây anh nhận được bức thư từ một sinh viên đại học. Cậu ấy kể “Cha mẹ muốn tôi hoàn thành chương trình thạc sĩ, nhưng tôi đã sẵn sàng để bắt đầu việc kinh doanh của riêng mình. Họ sẽ nghĩ tôi điên mất nếu tôi từ bỏ ngay từ bây giờ. Tôi nên làm gì đây?

Đây là một vấn đề phổ biến của nhiều người trẻ. Nếu cứ ra quyết định dựa trên những gì mọi người nghĩ - ngay cả từ bạn bè và từ gia đình gần gũi nhất - sẽ chỉ làm giảm ý nghĩa cuộc sống của bạn mà thôi. Thay vào đó, chỉ cần suy nghĩ đến những gì họ sẽ nói khi bạn đã đạt được thành công.

Với anh chàng sinh viên đại học này, Ally đưa ra lời khuyên rằng chỉ nên quan tâm các bậc cha mẹ nói gì một khi việc kinh doanh của bạn đã gặt hái thành công, rằng họ sẽ tự hào về bạn thế nào? Đó có phải là quyết định tốt nhất mà bạn đã từng làm không? Có thể lắm chứ.

2. Sợ cái nghèo


Nhiều người đang bị mắc kẹt trong suy nghĩ về việc phải “sinh tồn”. Một thanh niên khác kể với Ally: “Tôi 26 tuổi và tôi bị mắc kẹt trong một căn phòng 40 giờ mỗi tuần. Tôi thanh toán đầy đủ các hóa đơn và sống một cuộc sống ở mức trung bình dù tôi biết tôi có thể có một công việc tốt hơn và đạt đến mức tiềm năng tối đa của mình. Tôi cảm thấy mệt mỏi, buồn chán và tôi muốn sử dụng những khoản dành dụm của mình. Tuy nhiên, tôi lại sợ rằng mình sẽ trở về tay trắng. Tôi nên làm gì đây?”

Nỗi sợ hãi nghèo đói dễ làm con người ta tê liệt. Theo Ally, chàng thanh niên này đã nêu trong email của mình rằng anh có 10.000 USD trong tài khoản tiết kiệm, bấy nhiêu là đủ cho anh ta từ bỏ công việc của mình một vài tháng để tìm kiếm nghề nghiệp mơ ước của mình hoặc tập tành kinh doanh. Quá nhiều người chọn cách chấp nhận sự tầm thường vì họ chỉ nghĩ phải "sống sót" thay vì "phát triển". Dĩ nhiên, nỗi sợ như thế luôn ngăn cản bạn vươn đến giấc mơ của mình.

3. Sợ già (và cái chết)


Đến một độ tuổi nào đó từng người một sẽ giã từ cuộc sống. Nhà khoa học Benjamin Franklin đã từng nói: “Hầu hết mọi người đã chết ở tuổi 25 và mãi về sau mới được chôn cất ở tuổi 75”. Với một số người, cái chết ẩn dụ này đến còn sớm hơn nữa, khi mà họ quyết định thỏa hiệp với một lối sống tầm thường. Những người này cho rằng họ không thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực, do đó họ chọn cách bỏ cuộc trước.

Sợ tuổi già cũng có thể gây nhiều rắc rối khi bạn có một bước chuyển đổi nghề nghiệp lớn. Những suy nghĩ đó thường sẽ như thế này: “Tôi đã 46 tuổi. Bạn làm sao có thể kỳ vọng tôi phải nghiên cứu về kinh doanh bất động sản trong khi trước giờ tôi chỉ làm về bảo hiểm nhân thọ? Hơn thế nữa, mọi thứ phải diễn ra một cách hoàn hảo, nếu không tôi sẽ không thể hỗ trợ gia đình mình.”

Xét cho cùng, khả năng thành công của bạn ít phụ thuộc vào tuổi tác hơn là niềm tin vào khả năng của chính mình.

4. Sợ thất bại

Đây là khi hầu hết mọi người hỏi câu hỏi “Sẽ thế nào nếu như…?” theo ý tiêu cực kiểu như: “Sẽ thế nào nếu sản phẩm không hoạt động? Sẽ thế nào nếu không một ai thích ý tưởng này? Sẽ thế nào nếu nó thất bại?”

Đó đều là những câu hỏi sai. Thay vì nghĩ về tất cả những cách bạn có thể gặp thất bại, hãy chú tâm vào mọi cách để bạn có thể thành công! Ngay cả khi bạn thất bại hoặc phạm sai lầm, điều đó cũng mang lại cho bạn một cơ hội nhận ra lỗi và sửa sai. Bạn phải thất bại trước khi thành công. Mọi người thành công đều là những người đã từng vấp ngã. Vì vậy, cứ tiến về phía trước và cố gắng!

5. Sợ mất lòng

Ally từng nhận được dòng tâm sự thế này: "Tôi dự định không gọi bộ phận nhân sự cho đến khi họ giao công việc cho tôi. Thêm vào đó, tôi sẽ thôi làm họ khó chịu và tôi không muốn họ nghĩ rằng tôi quá nghèo túng. Tôi chỉ đợi điện thoại từ họ thôi. Giả sử tôi không nhận được công việc đó thì có nghĩa là tôi không xứng đáng được nhận nó. Việc chủ động gọi cho họ có thể làm hỏng cơ hội của tôi, và sau đó tôi sẽ không bao giờ nhận được công việc đó!”

Đây là một cách tiếp cận sai. Bạn cần phải táo bạo trong hành động nếu đã dự định theo đuổi ước mơ của mình. Nhiều người sợ làm mất lòng người khác khi họ “đánh bóng” bản thân mình vì họ cho rằng điều đó đồng nghĩa với “sự kiêu ngạo”. Tuy nhiên, sẽ không có ai nhận ra tài năng của bạn trừ khi chính bạn thể hiện ra.

6. Sợ làm trò cười cho người khác

Nhiều lần khi nhìn vào tủ quần áo chắc bạn sẽ tự nhủ: “Tôi sẽ không mặc cái này hôm nay. Nó trông thật ngớ ngẩn. Có lẽ để lần khác chăng.” Nhưng tại sao không phải là bây giờ? Chúng ta thường hành động như thể những gì chúng ta muốn làm là sai; tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt thêm niềm tin vào khả năng đưa ra quyết định của mình. Chúng ta luôn phải thử khả năng của bản thân, dù là nói chuyện trước công chúng, viết một bài báo, quay video hoặc bất cứ điều gì khác.

Một số quyết định vĩ đại nhất trong lịch sử chính là bắt nguồn từ những suy nghĩ bất chợt. Có không ít người đã đi lệch từ xuất phát điểm ban đầu của họ và đi theo con đường khác để đến với thành công. Hãy tự khám phá xem bạn là ai và những gì phù hợp với khả năng của bạn. Thông thường, bạn sẽ phải bắt đầu với việc tìm xem mình không phải là người như thế nào. Mỗi lần thử như thế, bạn nên tin vào linh cảm rằng mình đang thực hiện các quyết định đúng, vì bạn sẽ còn là trò cười lớn hơn nữa nếu bạn chẳng dám làm bất cứ điều gì cả.

7. Sợ thành công

Thông thường, con người ta sợ trở thành chính mình. Họ lo sợ việc bộc lộ bản chất và năng lực thực sự của mình mà không hề biết điều đó sẽ mang lại thành công. Họ ngắm nhìn thành công của những người khác và thốt lên: "Bạn biết đấy, tôi cũng có thể làm được điều đó” hay “Tại sao không phải là tôi nhỉ?”. Nhưng cũng chính những người đó lại sợ nhận được sự nổi tiếng và giàu có như những người mà họ ngưỡng mộ.

Nhiều người trong chúng ta đã được dạy rằng sẽ không bao giờ đạt được thành công thực sự trong cuộc sống. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng mơ ước thành công là không thực tế, vì vậy họ không bao giờ thúc đẩy các con mình. Thay vì bị gò bó trong suy nghĩ này, hãy tin rằng một ngày bạn sẽ đạt được thành công lớn.

Xét cho cùng, tất cả những nỗi sợ hãi trên có thể vượt qua được bằng lòng tin và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đã vạch ra. Nếu bạn biết bạn muốn gì và dám vượt qua nỗi sợ thì bạn sẽ đạt được nhiều hơn trong cuộc sống, thay vì bị níu giữ lại bởi sự nghi ngờ và nỗi lo lắng.

10 thói quen giúp sớm được thành công


Người thành công sẽ biết cách tổ chức các mối quan hệ trong cuộc sống của mình. Tức là những người gần gũi nhất sẽ nuôi dưỡng cả tri thức, tinh thần và cảm xúc cho họ. Khi bạn nhìn thấy một nghệ sĩ biểu diễn solo, bạn sẽ phải nghĩ tới đằng sau anh ta là chuyên viên trang điểm, phục trang, quản lý, kỹ thuật viên âm thanh và nhiều người nữa.

10 thói quen giúp sớm thành công

Daniel Ally là một diễn giả, chuyên gia kinh doanh quốc tế và tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy tại Mỹ. Là nhà sáng lập The Ally Way & Dignify Designs, anh đã giúp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tạo lập thương hiệu, giúp các tác giả viết và phát hành sách, đồng thời truyền kinh nghiệm thành công cho hàng trăm người. Anh đã trở thành triệu phú tự thân ở tuổi 24.
Trên Business Insider, anh đã chia sẻ những thói quen đã giúp anh sớm đạt được thành công.
Bạn sẽ phải trả giá nếu muốn thành công. Chẳng ai thành công mà không có mức độ nguyên tắc nhất định cả. Họ sẽ phải sẵn sàng hy sinh sự thư thái trong ngắn hạn để có thành quả dài hạn. Dĩ nhiên, sống nguyên tắc đòi hỏi bạn luyện được những thói quen hàng ngày.
Thói quen chính là thứ định hướng cuộc sống cho chúng ta. Trong khi một số người có thói quen không tốt lắm, như buôn chuyện, cũng có những người có thói quen tốt, như khen ngợi người khác chẳng hạn.
Còn dưới đây là 10 thói quen của tôi.
1. Học tập
Đầu tiên, hãy nhớ là đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà chẳng học được gì. Có rất nhiều cách. Cá nhân tôi thường học mỗi ngày 3 giờ. Có thể là đọc từ điển, đọc sách, xem video, trả lời bình luận, hoặc nói chuyện với huấn luyện viên.
Việc này giúp tôi nảy ra rất nhiều ý tưởng. Tôi thường để điện thoại ở một phòng, và đọc sách ở phòng khác để tránh xao nhãng. Ăn có thể bỏ, chứ sách thì không bỏ được.
2. Lập mục tiêu
Ngày nào bạn cũng nên lập mục tiêu, rồi lập luôn cả mục tiêu theo tháng, năm và thập kỷ nữa. Quá trình này khiến tôi cảm thấy rất hứng thú, nhận ra cuộc sống có mục tiêu hơn, kích thích mình nghĩ lớn lao hơn và vượt qua những vấn đề nhỏ trong cuộc sống. Hãy viết chúng vào một quyển sổ và luôn mang theo mình. Giờ tôi đã có hơn 100 cuốn rồi đấy.
3. Lên kế hoạch
Mục tiêu có thể rất nhiều, nhưng sẽ chẳng ý nghĩa gì nếu bạn không có kế hoạch hoàn thành chúng. Đầu tiên, hãy chia nhỏ mục tiêu 10 năm ra từng năm, từng tháng, tuần và ngày. Khi đã chia xong rồi, bạn nên gạch ra các bước nhỏ để hoàn thành chúng,
Tôi có một khách hàng, mục tiêu là làm diễn giả chuyên nghiệp. Nhưng ông ấy không biết nên bắt đầu từ đâu. Tôi đã nói rằng ông nên diễn thuyết khoảng 120 lần một năm. Tức là khoảng 3 ngày một lần. Sau đó, ông ấy đã công nhận mục tiêu thế này dễ thực hiện hơn rất nhiều.
4. Tạo lập mối quan hệ
Thời nay, chúng ta có rất nhiều cách để xây dựng và duy trì các mối quan hệ. Để làm được việc này thật hiệu quả, bạn cần phải là nhà sản xuất, thay vì người tiêu dùng. Tức là bạn phải thật chủ động. Đừng đợi người ta email, gọi điện cho mình. Hãy tự liên lạc với họ.
Tôi thường sử dụng quy tắc "số 10". Tức là một ngày sẽ gửi 10 tin nhắn, gọi 10 cuộc và gửi 10 email. Tôi cũng thường xuyên làm video, đi diễn thuyết và viết báo. Điều này sẽ giúp tôi tiếp cận được nhiều người hơn nữa. Một ngày tôi cũng sẽ cập nhật vài lần các tài khoản mạng xã hội của mình. Và kết quả thu được rất mỹ mãn.
5. Ghi chú hàng ngày
Ai cũng cần thời gian để suy nghĩ. Nhưng muốn suy nghĩ hiệu quả, bạn cần ghi chép thường xuyên. Đó có thể là những câu chuyện, ý tưởng, bài học, châm ngôn, thậm chí là những người bạn đã gặp và những nơi đã đến.
Mỗi ngày, tôi đều viết tối thiểu 4 trang. Nó giúp tôi nhìn lại những thành tựu lớn nhất, thách thức nặng nề nhất và cả những cơ hội tốt đẹp nhất.
6. Luyện tập
Để thành công trong cuộc sống, bạn cần phải có sức khỏe tốt nhất nữa. Và chẳng còn cách nào khác là phải tập thể dục. Hãy lên kế hoạch tập tành 3-5 buổi mỗi tuần, mỗi lần khoảng 1 tiếng. Bạn sẽ không chỉ thấy sức chịu đựng của mình tăng lên đáng kể, mà số công việc hoàn thành trong ngày cũng sẽ nhiều lên.
7. Thư giãn
Khi quá mệt mỏi hay stress, bạn sẽ mất tập trung, và sau đó mất kiểm soát. Một người không học được cách làm thế nào để thư giãn sẽ kết thúc bằng việc lãng phí thời gian quý báu lẽ ra họ có thể tiết kiệm được.
Tất cả chúng ta đều có những lúc cần nghỉ ngơi. Hãy tìm những cách thư giãn thật lành mạnh. Ví dụ, tôi thường thích nấu ăn hoặc đi bộ quanh nhà. Nhưng thỉnh thoảng, tôi sẽ nghe nhạc jazz và trò chuyện với những người tôi yêu mến. Việc này sẽ giúp bạn xóa tan những lo âu trong cuộc sống.
8. Tự thúc đẩy bản thân
Người bình thường tự nói chuyện với mình 12.000 lần mỗi ngày. Sự khác biệt giữa người thành công và không thành công chính là ở nội dung những cuộc nói chuyện này. Hãy tự nói với mình những câu như: "Mình yêu mến tất cả mọi người và tất cả cũng yêu quý mình", hay "Mỗi ngày, mình sẽ tìm cách để bản thân tốt đẹp hơn".
9. Nắm vững sở trường của mình
Mỗi chúng ta đều có tài năng riêng cần được tập luyện mỗi ngày. Nếu không sử dụng, bạn sẽ mất nó. Việc nắm vững đòi hỏi mất nhiều năm. Nhưng nếu sẵn sàng làm tốt nhất có thể, bạn sẽ thực hiện được thôi.
10. Biết cách lãnh đạo
Người thành công sẽ biết cách tổ chức các mối quan hệ trong cuộc sống của mình. Tức là những người gần gũi nhất sẽ nuôi dưỡng cả tri thức, tinh thần và cảm xúc cho họ. Khi bạn nhìn thấy một nghệ sĩ biểu diễn solo, bạn sẽ phải nghĩ tới đằng sau anh ta là chuyên viên trang điểm, phục trang, quản lý, kỹ thuật viên âm thanh và nhiều người nữa.
Dĩ nhiên, để có kỹ năng tổ chức, bạn cần luyện tập thường xuyên. Việc chọn ra đúng người cho nhóm của mình cần phải có thời gian. Bên cạnh đó, một mối quan hệ cũng sẽ được hình thành tự nhiên nhất nếu bạn biết mình đang làm gì. Nếu chọn được nhóm tốt, bạn sẽ có được sự trợ giúp lớn để vượt qua mọi thách thức. 

Học cách tự do về tài chính như các tỷ phú thế giới


Hãy nghĩ xem, nếu bạn luôn hài lòng và thoải mái với chiếc xe máy bình thường thì sẽ chẳng có lý do gì bạn phải bận tâm khi ông bạn mình vừa đổi từ chiếc Toyota lên Ferrari cả.

Học cách tự do tài chính như các tỷ phú thế giới
Từ việc tỉ phú Ingvar Kamprad mới đây tiết lộ ông thường xuyên cắt tóc khi tới thăm các nước đang phát triển (ông từng cắt tóc ở nước ta) và hầu hết đồ dùng ông sử dụng là đồ cũ mua ở chợ trời (dù giá trị tài sản ròng của ông là 39,3 tỉ USD – được công bố bởi tạp chí Forbes tính đến cuối năm 2015), chúng ta có thể rút ra hai bài học từ cách tạo thu nhập và cách chi tiêu của những tỉ phú giàu nhất thế giới hiện nay để tạo ra sự tự do về tài chính cho mình như cách họ vẫn đang làm hằng ngày.
1. Nguồn thu nhập: Học cách để tiền bạc làm việc cho bạn
Trong quyển Dạy con làm giàu, Robert Kiyosaki đã trình bày bốn nhóm tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu trong xã hội ngày nay gồm: (1) Người làm công ăn lương; (2) Người tự làm việc cho chính mình (một số việc ở Việt Nam như tự kinh doanh trên mạng, làm tự do, bác sĩ mở phòng mạch tư, chủ cửa hàng tạp hóa, hoa quả…); (3) Chủ doanh nghiệp, công ty; (4) Nhà đầu tư (cổ phiếu, chứng khoán, vàng, bất động sản…). Theo đó, những tỉ phú hiện nay đều có thu nhập chính từ nhóm 4 – nơi tiền bạc làm việc cho họ.
Thu nhập của bạn đến càng nhiều từ nhóm 3 và nhóm 4 càng giúp bạn dễ dàng có được sự tự do về mặt tài chính hơn so với việc thu nhập đến từ nhóm 1 và 2.
Tính đến ngày 30/5/2005 (thời điểm Bill Gates vẫn đang làm việc ở Microsoft), ông nhận tổng số lương và thưởng mỗi năm là 600.000 USD, trong khi những cấp dưới của ông, cụ thể là Giám đốc Microsoft Office – Jeff Raikes nhận tổng mức lương thưởng là 1,15 triệu USD. Thời điểm ấy, khối tài sản của Bill Gates đã là 51 tỉ USD và số tiền này đến từ giá trị cổ phần mà ông nắm giữ ở Microsoft.
Những người kiếm tiền từ nhóm 3 và nhóm 4 được gọi là nhóm người sở hữu cơ chế tự động, tiền bạc hoặc hệ thống công việc đang kiếm tiền một cách tự động cho họ. Họ có thể chủ động sắp xếp thời gian đi du lịch, thăm họ hàng, bạn bè mà không phải bận tâm thu nhập của họ có bị ảnh hưởng hay không. Trong khi những người thu nhập đến nhiều từ nhóm 1 và 2 buộc phải cân nhắc xem liệu việc họ nghỉ một vài ngày như vậy sẽảnh hưởng như thế nào tới tình hình tài chính của họ sau này.
Những người từng có thu nhập thuộc nhóm 4 hoặc có mục tiêu và rèn luyện kỹ năng để có được thu nhập chủ yếu từ nhóm này sẽ dễ dàng tạo ra nền tảng tài chính bền vững và tránh khỏi những cú sốc “trúng số”.
Có lẽ bạn đã nghe không ít những câu chuyện về những người chỉ vài năm sau khi có được hàng tỉ đồng từ việc bán đất, trúng vé số… lại quay về với cuộc sống cũ và thậm chí còn khốn khó hơn cả lúc đầu. Không phải họ không biết sử dụng tiền bạc, họ chỉ là không có kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để có được thu nhập từ nhóm 4, nơi mang lại cơ chế tài chính bền vững cho tương lai của họ, để đến khi sử dụng đến những đồng tiền cuối cùng, họ phải quay lại việc tạo thu nhập từ nhóm 1 và 2, nơi họ thông thạo nhất.
Chính vì vậy, giống như hầu hết những lời khuyên mà bạn thường nghe, hãy bắt đầu học và tích lũy kinh nghiệm cho mình từ việc đầu tư và xây dựng hệ thống – để tiền bạc làm việc cho bạn, càng sớm càng tốt.

2. Cách chi tiêu: Hành trình kiếm tìm sự hạnh phúc
Hãy xem sự tự do về tài chính của bạn cũng tương tự như hạnh phúc mà bạn có, tỉ phú giàu thứ ba thế giới, huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng chia sẻ: “Cuộc đời tôi không thể hạnh phúc hơn được nữa, nếu có thêm năm hay sáu căn nhà chỉ khiến cuộc đời tôi tồi tệ đi, tôi không cần thêm bất cứ điều gì, nó không làm cho tôi khác biệt”.
Những tỉ phú luôn biết cách tránh xa “cuộc đua tiền bạc” – biểu hiện của sự ganh tỵ bắt chước và hơn thua, thông qua việc muốn sở hữu những điều chỉ nhằm mục đích thể hiện họ “hơn” người khác, mà không biết thật sự mình muốn gì.
Như việc nhiều bạn trẻ chưa làm ra tiền cố gắng thậm chí là phải vay mượn chỉ để mua một chiếc iPhone 6s không phải vì yêu thích nó, không phải vì cần nó cho công việc, cần để xây dựng hình ảnh cho mình hay cần những tính năng tiện lợi hơn, mà chỉ vì một người bạn của họ vừa mua một chiếc iPhone 6s!
Việc Warren Buffett đang sống trong ngôi nhà ở Omaha mua từ năm 1958 với giá hiện tại vào khoảng 250.000 USD (tài sản ròng của ông là hơn 60 tỉ USD), hay việc Micheal Bloomberg trong suốt mười năm chỉ sử dụng hai đôi giày (giá trị tài sản của ông là 40 tỉ USD)… nói lên rằng, tiết kiệm không chỉ giúp những tỉ phú này có nhiều tiền hơn để đầu tư mà còn giúp họ bảo vệ mình khỏi “cuộc đua tiền bạc”, có được cuộc sống hạnh phúc và thảnh thơi hơn.
Hãy nghĩ xem, nếu bạn luôn hài lòng và thoải mái với chiếc xe máy bình thường thì sẽ chẳng có lý do gì bạn phải bận tâm khi ông bạn mình vừa đổi từ chiếc Toyota lên Ferrari cả.
“Đừng nhầm lẫn chi phí cuộc sống với chất lượng cuộc sống” – Warren Buffett kết luận – bởi việc bạn chạy theo “cuộc đua tiền bạc” chỉ là việc bạn đang chạy theo hạnh phúc của người khác. 

Bài học về kinh doanh: Ngủ, kiên nhẫn và thư giãn như... loài mèo

Bạn không thể đốt nến ở cả hai đầu, nghĩa là làm việc cả ở văn phòng và ở nhà riêng, vì lúc đó, sự nghiệp lẫn cuộc sống của bạn đều sẽ bị ảnh hưởng, năng lực đưa ra những quyết định quan trọng sẽ ngày càng suy giảm.


Bài học kinh doanh: Ngủ, kiên nhẫn và thư giãn như... loài mèo

Jackson Galaxy là một doanh nhân đồng thời là một nhà tâm lý học. Ông đã hơn 20 năm nghiên cứu hành vi của loài mèo, và chính là người dẫn chương trình truyền hình "My cat from hell" (tạm dịch: "Mèo của tôi đến từ địa ngục") trên kênh Animal Planet. 
"Nhà mèo học" này cho rằng, nếu thực sự chú ý, các doanh nhân có thể học hỏi được nhiều điều từ sự khôn ngoan của loài vật này. Trên website dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa entrepreneur.com, Jackson Galaxy có bài viết chia sẻ 3 bài học kinh doanh mà ông cho rằng loài mèo có thể "dạy" các doanh nhân:
Doanh nhân Jackson Galaxy. Nguồn: Facebook Jackson Galaxy
1. Ngủ đủ giấc
Mèo là một loài động vật may mắn khi sở hữu những giấc ngủ “vô tận”. Mèo con thậm chí có thể ngủ đến 16 giờ mỗi ngày hoặc nhiều hơn.
Các doanh nhân cũng nên đối xử tốt với bản thân mình bằng cách học hỏi “đức tính” này từ loài mèo. Dĩ nhiên bạn không nên ngủ cả ngày như mèo, nhưng cần phải ngủ đủ giấc vào ban đêm để cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh cho ngày làm việc tiếp theo.
2. Kiên nhẫn và xác định đúng thời điểm tung đòn tấn công
Khi mèo nấp sau bụi cây để rình bắt một con chuột, nó luôn tuyệt đối yên lặng và chờ đợi thời điểm thích hợp. Không quá sớm cũng không quá muộn, khi thời cơ đến, nó lập tức tấn công con mồi.
Tương tự trong kinh doanh, mục tiêu của bạn là “săn lùng” và “bắt được” càng nhiều khách hàng càng tốt. Nếu quá vội vã, vồ vập trong xây dựng quan hệ, bạn có thể vô tình đẩy khách hàng ra xa tầm tay hơn. Do đó, hãy thư giãn thoải mái và theo đuổi "con mồi" họ như một chú mèo, duy trì trạng thái “chậm mà chắc” để chinh phục khách hàng.
Loài mèo luôn biết cách bảo tồn năng lượng cho cú tấn công quyết định. Đây cũng là điều mà doanh nhân cần học hỏi. Đừng lãng phí thời gian cho những phương pháp thu hút khách hàng có hiệu quả thấp, mà hãy để dành nguồn lực cho những cú tấn công mang tính đột phá.
3. Dành thời gian để thư giãn thoải mái 
Nguồn: Shutterstock
Bạn không thể đốt nến ở cả hai đầu, nghĩa là làm việc cả ở văn phòng và ở nhà riêng, vì lúc đó, sự nghiệp lẫn cuộc sống của bạn đều sẽ bị ảnh hưởng, năng lực đưa ra những quyết định quan trọng sẽ ngày càng suy giảm.
Mỗi ngày, hãy tạo sự cân bằng giữa công việc và giải trí bằng cách dành thời gian cho phép bản thân thư giãn, vui đùa hoặc nằm ườn thoải mái như một chú mèo con để liên tục tiếp thêm năng lượng cho mình.

5 lời khuyên khi giao tiếp dành cho doanh nhân




5 lời khuyên giao tiếp dành cho doanh nhân
Theo Jayson DeMers - Nhà sáng lập, CEO công ty quảng cáo truyền thông AudienceBloom, giao tiếp là một kỹ năng đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng, nó phản ánh năng lực lãnh đạo và khả năng đàm phán kinh doanh của người đứng đầu công ty.
Trên trang Entrepreneur.com, DeMers chia sẻ 5 nghệ thuật giao tiếp dành cho các doanh nhân:
1. Tập trung
Không ít người cho rằng hành động gật đầu tán thành, lặp lại câu nói hay giao tiếp bằng mắt thể hiện họ đang tập trung nghe những gì người khác nói. Tuy nhiên, theo Celesta Headlee - người dẫn chương trình lâu năm, diễn giả nổi tiếng của TED, tại sao bạn phải tỏ vẻ như thế nếu bạn thực sự không muốn nghe?
Hãy tập trung vào cuộc nói chuyện và đừng chờ đợi đến phiên mình mà hãy phản hồi theo mạch diễn biến câu chuyện. Bằng cách này, bạn sẽ hiểu rõ ý của người nói và đưa ra câu trả lời phù hợp hơn.
2. Đặt câu hỏi mở
Để hiểu rõ nội dung buổi trò chuyện, DeMers khuyên mọi người nên đặt những câu hỏi mở để khai thác được nhiều thông tin có giá trị thay vì chỉ đặt nhiều câu hỏi rồi mong chờ đối phương trả lời.
Ví dụ, đừng hỏi "Anh có thích giao diện mới của website công ty tôi không?". Cách này sẽ khiến người được hỏi chỉ có 2 phương án trả lời là "Có" hoặc "Không", sau đó kết thúc cuộc trò chuyện và chẳng cung cấp cho bạn thông tin hữu ích nào.
Thay vào đó, bạn nên cân nhắc những câu hỏi mang tính gợi mở, ví dụ: "Anh thấy giao diện mới của website công ty tôi thế nào?".
3. Để mọi thứ diễn ra tự nhiên
Sẽ có những ý kiến bất đồng hay những câu hỏi vặn vẹo khiến người trong cuộc cảm thấy không thoải mái trong khi trò chuyện. Tuy nhiên, bạn đừng tỏ vẻ khó chịu hay ngắt mạch câu chuyện giữa chừng mà hãy để mọi chuyện tiếp tục diễn ra tự nhiên và không nên quá để tâm đến ý kiến mà bạn không thích.
Bằng cách này, bạn vừa giữ cho không khí buổi nói chuyện trở nên tích cực, vừa tiếp cận vấn đề theo góc nhìn đa chiều và biết được nhiều thông tin hơn.
4. Thận trọng
Lưu ý rằng mọi người sẽ nhớ như in từng lời bạn nói, do đó hãy cẩn trọng với những câu cam kết hoặc mang hàm ý thể hiện khả năng của bản thân.
Ví dụ, nếu khách hàng hỏi bạn có biết cách khắc phục lỗi trên sản phẩm, đừng ngay lập tức trả lời rằng "Không", thậm chí "Được", mà hãy tiếp tục trò chuyện với họ và tìm hướng giải quyết khác để giữ chân khách hàng.
5. Bỏ qua tiểu tiết
Súc tích là một công cụ đắc lực giúp câu từ của bạn trở nên ý nghĩa hơn và giữ cho cuộc trò chuyện phát triển theo hướng bạn mong muốn.
Dù vậy, theo DeMers, trả lời ngắn gọn không có nghĩa bạn nói những câu cụt lủn hay kể lể dông dài với hy vọng đối phương sẽ hiểu đầy đủ ý mình muốn nói.
Tóm lại, việc cải thiện kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn mở rộng thêm mối quan hệ, kết nối với mọi người theo hướng sâu sắc, ý nghĩa hơn bên cạnh việc hạn chế các sai lầm trong giao tiếp.